Điểm mốc đánh dấu sự hình thành an sinh xã hội là cuộc cách mạng công nghiệp ở thế kỷ thứ XIX, cuộc cách mạng này đã khiến cuộc sống của người lao động gắn chặt với thu nhập do bán sức lao động đem lại. Chính vì vậy những rủi ro trong cuộc sống như ốm đau, tai nạn, thất nghiệp hoặc do tuổi già sức yếu v.v... đã trở thành mối lo ngại cho những người lao động. Trước những rủi ro, bất hạnh thường xuyên xảy ra trong cuộc sống, một số nước đã khuyến khích các hoạt động tương thân tương ái lẫn nhau, kêu gọi người lao động tự tiết kiệm phòng khi có biến cố hoặc thực hiện trợ cấp đối với những người làm công ăn lương và thuật ngữ “an sinh xã hội” đã ra đời.
Trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ công nhân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng ngày càng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Nhận thức rõ vấn đề này, việc xây dựng và phát huy vai trò của giai cấp công nhân trong tình hình mới đã được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm trên nhiều phương diện, trong đó có việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.