Các thành viên: | TS. Phạm Xuân Mai, KTS. Phan Diệu Chi, Th.S Nguyễn Thị Cẩm Vân, CN. Phan Nguyễn Trung Minh, KS. Đào Thị Hồng Hoa, CN. Phan Đình Phước, các thành viên Phòng NCQLĐT |
Do số lượng xe cá nhân ngày càng gia tăng, cùng với sự phát triển còn khiêm tốn của xe buýt, đã dẫn đến diện tích đường giao thông sử dụng tại TPHCM ngày càng thu hẹp. Bên cạnh vài khu đô thị mới phát triển đạt tiêu chuẩn đề ra, nhìn chung, hầu hết các đô thị TPHCM vẫn còn phát triển theo hướng tự phát, với đặc điểm nhà ở, đường sá đi lại lộn xộn, mật độ hẻm chằng chịt ở mọi nơi, rất thuận tiện để sử dụng xe gắn máy. Kết quả nghiên cứu từ đề tài này đã chỉ rõ, bên cạnh nguyên nhân do buông lõng công tác quản lý (theo hướng khuyến khích phát triển xe máy) đã góp phần làm gia tăng xe máy nhanh chóng trong thời gian qua, một nguyên nhân không kém phần quan trọng chính là do đặc điểm cấu trúc đô thị TPHCM gây ra (như cấu trúc tập trung vào khu trung tâm, nhà ở hỗn hợp đan xen giữa khu kinh doanh, thương mại; đường hẻm chằng chịt khắp mọi nơi...) đã dẫn nhu cầu sử dụng cao và gia tăng số lượng xe máy đến mức “chóng mặt” như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến nguyên nhân do đặc điểm hoạt động kinh tế (phi chính quy) tại TPHCM góp phần gây ra gia tăng xe máy. Điểm đáng lưu ý là nguyên nhân do đặc điểm gọn nhẹ của phương tiện xe máy chỉ được xếp hạng thứ 4, cũng như nguyên nhân do đặc điểm hoạt động của phương tiện VTHKCC chưa đáp ứng chỉ được xếp hạng thứ 5 trong tổng số các nguyên nhân. Điều này cho thấy giải pháp tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng thực chất chỉ là một trong các giải pháp để góp phần hạn chế xe cá nhân, phải tiến hành song song đồng bộ cùng các giải pháp khác, nhất là cần chấn chỉnh lại công tác quản lý xe máy, nghiên cứu giải pháp từng bước tái cấu trúc lại đô thị, giảm bớt sự phụ thuộc vào xe máy. Cũng từ đặc điểm cấu trúc đô thị TPHCM hiện nay, có thể thấy rằng chủ trương hạn chế xe gắn máy đòi hỏi phải có một lộ trình rất lâu dài, rất khó khăn, song song với quá trình từng bước tái cấu trúc lại đô thị theo hướng phát triển các loại hình giao thông công cộng đa phương thức, phù hợp; cùng với phát triển không gian đô thị theo hướng đa tâm ở các đô thị mới, kiên quyết di dời các trường đại học ra bên ngoài, đi đôi với công tác cải tạo chỉnh trang lại đô thị hiện hữu, nhằm mở rộng không gian đô thị hiện nay. |